Cuốn sách gồm 5 phần: Phần 1. Một số ca khúc; Phần 2. Những mẩu
chuyện kháng chiến; Phần 3. Hồi ký; Phần 4. Về kịch nói và sân khấu cải lương
Nam bộ; Phần 5. Đề cương nghiên cứu và Phụ lục. Nhớ người ra đi.
Cuốn sách thể hiện những tâm huyết mà Nguyễn Ngọc Bạch đã suốt
đời cống hiến cho sự nghiệp gìn giữ và phát triển sân khấu Nam Bộ, vì mảnh đất
và con người Nam Bộ chính là cái nôi nuôi dưỡng người nghệ sĩ - chiến sĩ trong
ông. Đặc biệt, sân khấu Nam bộ với những đặc trưng và giá trị nhân văn của nó
ngày càng trở nên quý giá, cần được gìn giữ, bảo tồn và phát triển vì đó là một
phần quan trọng của bản sắc con người và lịch sử - văn hóa Nam bộ.
Chân dung và cuộc đời của một nhà hoạt động sân khấu cách mạng kỳ cựu
của miền Nam - có thể nói là một trong những tên tuổi hàng đầu - đã được giới
thiệu khá đầy đủ trong cuốn sách này. 63 tuổi đời với 40 năm đi theo cách mạng,
trong đó có 36 năm công tác trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ (bắt đầu từ Đoàn
văn công lưu động Long - Châu - Hà... cho đến đoàn ca kịch Cửu Long Giang, Đoàn
cải lương Nam bộ, Đoàn kịch Cửu Long Giang, Sở VH-TT và Hội Sân khấu TP.HCM),
ông Nguyễn Ngọc Bạch xứng đáng là một nhân sĩ của miền Nam, với lối sống cương
trực, phóng khoáng, tình nghĩa và luôn hết mình với công việc.