Cơn lũ vẫn chưa qua: Cú bứt phá của thân phận và nghị lực
Cầm cuốn sách lên, nhìn vào tựa đề tôi, nghĩ ngay đến một câu
chuyện vùng sông nước miền Tây dát đầy sự khổ nhọc trước dòng nước cuồn cuộn,
ướt át dâng cao, bao trùm nỗi cơ cực trên những phận đời chân chất. Ừ, lại là
những phận đời với bao cơn lũ hung hãn. Và khi đã đi qua, những di sản nghiệt
ngã mà nó để lại vô cùng dai dẳng? Nhưng lật những trang đầu tiên tôi đã hồ
nghi về “cơn lũ” mà Nguyễn Thị Kim Hòa muốn
tuôn xả.
Cuộc đời này, loài bướm ma, hộp ngọc trai đen, loài cú lợn, “mốt”
đẻ mướn cùng hình ảnh là trái tim đàn bà mà tôi nhìn thấy trong những tác phẩm
từng đọc, những bộ phim từng xem, hay đơn giản là những gương mặt thân quen
“của” Kim Hòa trong cái hố chảo rộng lớn mà nhân vật Dương mơ thấy như gói gọn
trong bốn chữ “thân phận đàn bà”. Từ một xã hội phân tán bởi những cảm tính sơ
sài cố hữu đã giam lỏng trái tim vốn dĩ trong sáng, mong manh và đẩy nó vào tận
đáy đen sâu thẳm, nhớp nháp, không thể nào gột rửa. “Cơn lũ” ấy được định hình
rõ làm sao, Kim Hòa, người hẳn đã trải qua những cơn lũ của bệnh tật, sự thua
thiệt trong bao phen sóng gió với hơi sức cùng kiệt của một cô gái sống từng
khắc trong xã hội ngày nay, chẳng ai dám chắc cả, ngoài Kim Hòa. Còn Dương,
người ta thấy rõ lắm một bông hoa đã được đặt tên, trong suốt cuộc đời Dương,
sự thanh thản của loài hoa vô ưu hình như không chung một thế giới với Dương,
nét trong sáng hồn nhiên của áng mây xanh dường như không chung một vùng trời.
Kim Hòa phác họa hình tượng một người phụ nữ rõ nét với nhân vật Dương xuyên
suốt câu chuyện, người chưa vượt qua cơn lũ này lại thấy cơn lũ khác, và cũng
chính là sự cam chịu cùng tính gan lỳ của người đàn bà, Dương chưa bao giờ muốn
khuất phục và không ngừng tiến về phía trước, dù cuộc đời có toan nhấn chìm cô
xuống tận cùng sâu thẳm.
Đọc sách của Nguyễn Thị Kim Hòa tôi
cảm nhận được sự thống khổ tận cùng của một người đàn bà thân cô thế cô trước
những cảm bẫy và thử thách nghiệt ngã, và có những khoảng lặng yên bình trong
cuộc đời Dương tưởng sẽ kéo dài như thế, nhưng sự yên ắng ấy bao giờ cũng báo
hiệu một cơn lũ khủng khiếp toan nhấn chìm tất cả. Từ một cô bé hiền
lành, Dương trở thành một thiếu nữ không có sự lựa chọn giữa chốn bụi đời, và
khi thoát ra khỏi bóng tối của xã hội, Dương danh chính ngôn thuận trở thành
một người vợ, người mẹ dịu hiền. Cũng chính từ đó, cuộc đời Dương sẽ đối diện
với những bóng ma của quá khứ, vết nhơ của tuổi trẻ mà cuộc đời đã phủ lên
Dương một cách tàn nhẫn. Đừng ví cuộc đời người đàn bà này như một nốt sol trầm
vì nghe hàn lâm quá, tôi chỉ dám tưởng tượng Dương như một con giun bị xéo đến
tận cùng của những đổi chác được hơn trong xã hội này, xã hội vốn đã ít công
bằng cho đàn bà, càng ít công bằng hơn khi người đàn bà ấy có một lý lịch đen
đúa. Lý lịch, người ta chỉ cần đến nó khi không còn lý lẽ. Vậy mà Dương nào có
chịu khuất phục. Bút pháp của Kim Hòa đã trở nên sắc bén khi phác họa một nhân
vật tuyệt vời và cốt truyện chứa đầy những tình tiết tréo ngoe nhưng không kém
phần nhân văn.
“Nhiều đêm, Dương mơ về một cái chảo khổng lồ. Lòng chảo to lắm,
Dương chạy mãi chạy mãi không ra khỏi nó. Cùng chạy như Dương có rất nhiều, rất
nhiều khuôn mặt đàn bà khác nữa.” Nguyễn Thị Kim Hòa khéo léo ẩn dụ trong câu
văn đắt giá như vậy, chỉ một đoạn ngắn của giấc mơ, đã ám ảnh con người ta đến
từng nhịp lặng, thấm thía được nội dung của câu chuyện.
Nghiền ngẫm từng câu chữ trong Cơn lũ vẫn chưa qua bên
những ngày nắng như đổ lửa, gặm nhấm từng khắc đổ dài trên dòng thời gian đang
lặng lẽ trôi qua. Gấp cuốn sách có chữ ký của tác giả, tôi tự hỏi Kim Hòa đã
viết một tác phẩm như vậy với 100% bằng chữ viết tay và chỉ trong hai tư thế
“đứng” và “nằm” vì căn bệnh cột sống, thì liệu Dương có vượt qua được những cơn
lũ đang chực chờ phía trước hay không? Câu trả lời là hãy nhìn theo những gì
Hòa làm thì sẽ rõ…
(Theo Lê Hữu Nam – nhavantphcm.com.vn)