Sở dĩ
chúng tôi nói đây là món sử lạ, bởi lâu nay, kể ra cũng ít có cuốn sách nào
chuyên về đề tài tham nhũng và chống tham nhũng. Cuốn sách Nhà Lê sơ (1428 -
1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân, mọt nước” của tác giả Trần Đình Ba, do
Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành như một chuyến đi ngược về
quá khứ, nhìn lại vấn nạn này ở một triều đại có tiếng tốt trong lịch sử nước
Việt.
Sách
được chia làm 3 chương. Ở chương đầu tiên, tác giả khái quát cho chúng ta biết
về tệ nạn tham nhũng của các triều đại trước thời Lê sơ. Dựa vào những tài liệu
có được, bạn đọc sẽ thấy rằng thời nước Văn Lang – Âu Lạc không thấy sự có mặt
của nạn tham nhũng. Nhưng bước sang thời Bắc thuộc, thì tham nhũng trở thành một
tệ nạn công khai cùng mưu đồ đồng hóa của phương Bắc. Đến khi đất nước giành được
nền tự chủ, ở thế kỷ X không ghi nhận có nạn tham nhũng. Chỉ từ thời nối tiếp ở
nhà Lý về sau là tham nhũng lại có điều kiện hoành hành. Qua đó, ta thấy được sự
hiện diện của vấn nạn này đã gây nên những hệ lụy to lớn đối với nền chính trị
của các triều đại Lý, Trần. Là một trong những nguyên nhân trực tiếp góp phần
làm suy yếu và sụp đổ các triều đại này, mặc dù thời Lý, Trần, các vị vua cũng
đã có những biện pháp hòng trừng phạt hay giảm thiểu nạn tham nhũng.
Nội
dung đáng chú ý và là trọng tâm của sách nằm ở chương 2 và chương 3. Nếu như ở
chương 2, từ những mảnh vụn trong sử sách, tác giả đã dựng lại bức tranh về nạn
tham nhũng thời Lê sơ trong 100 năm tồn tại khá chi tiết và cụ thể. Có những
nhân vật, những vụ tham nhũng bị điểm mặt, chỉ tên làm cho thực tế nạn tham
nhũng được miêu tả sống động. Cũng ở chương 2, nguyên nhân tham nhũng, đối tượng
tham ô, hối lộ và lĩnh vực tham nhũng, hình thức ăn của đút và hệ quả của vấn nạn
này được tác giả chỉ ra rõ ràng, chi tiết. Chính từ thực tế đó, dẫn tới những
biện pháp xử lý nạn tham nhũng của nhà Lê sơ. Và phần này được thực hiện ở
chương 3, cũng là chương cuối cùng của sách.
Đúng
như lời tác giả nhận định, nạn tham nhũng trở thành “nội nạn”, nỗi lo canh
cánh, thường trực của các vua nhà Lê sơ giống như “Quan coi đê sợ mối làm sụp đổ
đê lúc nào không hay, người đi thuyền sợ hà đục thủng thuyền lúc nào chẳng biết”.
Thế nên, vấn nạn này trở thành một nhiệm vụ cấp bách trong kế sách trị nước của
nhà Lê sơ.
Có thể
thấy chương 3 đã phân tích khá chi tiết những biện pháp khác nhau được thực hiện
trong thời Lê sơ nhằm phòng, chống và xử lý nạn tham nhũng. Ban đầu là việc quy
định thành luật lệ, điển chế để trừng phạt trọng tội này, và xem nó là một tội
ác không được dự phần khoan hồng, ân xá của Nhà nước. Chúng tôi rất ấn tượng
khi tác giả căn cứ trên việc thống kê Quốc triều hình luật (luật Hồng
Đức) để chỉ ra được việc nhà Lê sơ coi trọng thế nào việc xử phạt tội này với
1/7 điều luật (102/722 điều) liên quan đến việc xử tham nhũng, hối lộ. Nếu như
hiện nay, Nhà nước có cả Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thì ở
thời Lê sơ, những cơ quan như Ngự sử đài, Lục khoa cũng đã thực hiện nhiệm vụ
đó. Rồi chính sách về việc chọn lựa nhân tài qua thi cử, tiến cử, bảo cử đều nhằm
một mục đích cao nhất, đó là phải chọn được người có tài, có đức; việc sắp xếp
quan lại, việc khảo hạch để xét định năng lực quan lại là những cách làm rất
khoa học để chọn người đúng vị trí, đúng năng lực, để kịp thời cất nhắc người
giỏi, thải loại người kém. Người có công được thưởng, kẻ có tội bị trừng trị,
nhà Lê sơ cũng đã thực hiện việc đó rất hiệu quả.
Những
biện pháp thực hiện phòng, chống và xử lý tham nhũng của nhà Lê sơ xét ra, đã
thu được những kết quả khả quan, thế nên, như nhận định của tác giả, đã góp phần
hiệu quả vào việc trị nước của vua Lê, đưa nhà Lê trở thành một trong những triều
đại thịnh trị của chế độ phong kiến Đại Việt xưa.
Mua sách ở đâu?
Sách dày 264 trang, khổ 16x24cm, mới được tái bản lần thứ nhất vào trung tuần tháng 6.2016 sau lần in đầu tiên tháng 2.2016.
Bạn đọc quan tâm có thể mua sách tại Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, số 62 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1; Nhà sách Tổng hợp 2 số 86-88 Nguyễn Tất Thành, Quận 4, hệ thống nhà sách trên toàn quốc và các nhà sách online.
Như
Áng (motthegioi.vn)