Tình yêu giúp họ nên đôi sau bao chướng ngại trùng trùng. Tình yêu nâng
cánh họ trên bước đường văn chương, thăng hoa và lắng đọng cùng những
trang viết
"Giờ thì tôi hiểu ra, khó khăn còn là một thứ xúc tác để những
bông hoa trong khu vườn tình người nở rộ. Thăng trầm, vinh nhục… tất cả
đều đã trải, đều đã vô thường, thay đổi và chỉ có hằng số Elena là còn ở
lại. Nàng luôn ở bên tôi. Lúc nào cũng ở bên tôi. Dù có khi chúng tôi
cách xa nhau hơn 10.000 km"…
Đó là những dòng nhà văn -
dịch giả Trương Văn Dân viết về người vợ của mình, nữ nhà văn người Ý
Elena Pucillo Trương trong tập truyện ngắn và tùy bút "Milano Sài Gòn
đang về hay sang?"(NXB Tổng hợp TP HCM, 2018). Ông trân trọng tình yêu
lớn lao của bà: "Là người luôn chấp nhận hy sinh, Elena yêu tôi bằng một
tình yêu mãnh liệt. Tình yêu ấy như hai trái tim nằm giữa lằn ranh, vừa
hòa vừa nhập, thách thức mọi khác biệt của hai nền văn hóa"…
Trong
buổi giao lưu tại Đường Sách TP HCM vào sáng 9-11, cùng với tập truyện
của Trương Văn Dân, tập "Vàng trên biển đá đen" của Elena Pucillo Trương
(NXB Tổng hợp TP HCM, 2018) cũng được giới thiệu, giúp người yêu văn
chương hiểu thêm về tình yêu lớn lao của đôi vợ chồng Việt - Ý. Tình yêu
giúp họ nên đôi sau bao chướng ngại trùng trùng. Tình yêu nâng cánh họ
trên bước đường văn chương, thăng hoa và lắng đọng cùng những trang
viết.
Nhà văn Trương Văn Dân sinh ra tại Bình Định, du học ngành
hóa và công nghệ dược tại Ý, sau đó đã nên duyên vợ chồng cùng TS Elena
Pucillo Trương (Đại học Milano - Ý). Hơn 10 năm qua, hai người trở về
Việt Nam sinh sống. Hôn nhân của họ càng trở nên bền chặt khi họ có
chung tình yêu dành cho văn chương.
"Vàng trên biển đá đen" gồm 14
truyện ngắn và 11 tạp bút. Phần lớn những câu chuyện gắn với Việt Nam,
từ Tây Bắc (Vàng trên biển đá đen), Hà Nội (Một đêm huyền diệu; Hà Nội,
nét đẹp bí ẩn) đến Quảng Ninh (Trên đỉnh núi thiêng), Vũng Tàu (Bình
minh vàng trên biển)… Nhà phê bình Cao Thị Hồng nhìn nhận đằng sau mỗi
câu chuyện là những thông điệp về cõi người, là tinh thần trân trọng
những giá trị nhân văn, nhân bản với khát khao hướng về những gì tốt đẹp
nhất cho con người và vì con người… Với "Con chim nhỏ trong lồng", tác
giả phơi bày tâm lý u uất của một bà mẹ bị con trai và con dâu ruồng bỏ,
ghẻ lạnh, bỏ mặc bà quay quắt trong chính ngôi nhà của mình. "Chút hơi
ấm cuối cùng" lại là câu chuyện thương tâm về người cha bị con cái bạc
đãi, một bi kịch phận người trong sân khấu của cõi người… Cao nguyên đá
Hà Giang hiện lên trong "Vàng trên biển đá đen" vừa khắc nghiệt vừa nên
thơ, là truyện ngắn cho thấy vốn sống phong phú của nhà văn Elena khi
đặc tả về cô giáo cõng chữ trên non cao và những học trò người dân tộc
thiểu số vùng cao nguyên đá.
Nữ nhà văn Elena Pucillo Trương (giữa) cùng nhà văn - dịch giả Trương Văn Dân (trái) giao lưu tại Đường Sách TP HCM
Theo
nhà phê bình Nguyễn Thị Tịnh Thy: "Kết cấu giản dị theo dòng tự sự của
nhân vật và kết thúc bất ngờ là điểm làm nên phong cách truyện ngắn của
Elena. Nhân vật của chị thường suy xét, suy nghĩ, nhớ nhung, buồn khổ,
âu lo, dằn vặt… trong suốt tiến trình của truyện. Mọi chuyển động ở họ
đều thuộc về cái "tĩnh" với chất nội tâm, dòng tâm tưởng chảy tràn từ
dòng này sang dòng khác. Kết thúc truyện, cái "động" đột nhiên xuất hiện
với hành động đầy bất ngờ đối với người đọc nhưng lại rất logic với
tính cách của nhân vật".
Còn với tập truyện ngắn và tùy bút
"Milano Sài Gòn đang về hay sang?", là những cuộc viễn du của Trương Văn
Dân với đầy ắp hiện thực cuộc sống. Ông có những trang viết mang ám ảnh
về nguồn cội, về đất nước, quê hương với mong mỏi mỗi người rồi sẽ tìm
được cho mình "một cõi đi về" phía ánh sáng của tình yêu thương, lòng
nhân ái và sự hướng thiện. Trương Văn Dân từng tự sự: "Tôi đã viết "Bàn
tay nhỏ dưới mưa" như nhiều mảnh gương, mỗi mảnh phản chiếu theo một
góc. Có mảnh quay vào trong, soi nội tâm nhân vật, có mảnh hướng ra
ngoài để nhìn ra thế giới. Qua các trang viết đều có phản chiếu một chút
người, một chút ta, một chút bạn bè và những cảm nhận về những vấn đề
mang tính bản thể: sự sống và cái chết, nhân phẩm và sự sa ngã, khát
vọng vô cùng của con người và những hữu hạn của tồn tại"…
Giao
lưu với bạn đọc tại Đường Sách, nhà văn Trương Văn Dân đọc hai câu thơ
của Trần Thoại Nguyên để nói tình yêu lớn của đời mình: "Phải đâu gặp gỡ tình cờ/ Từ vô lượng kiếp đã chờ đợi nhau".
Người vợ Ý của ông đã yêu chồng, yêu quê hương Bình Định, yêu đất nước
Việt Nam như bao con dân người Việt khác, như có dòng máu Việt luân lưu.
Về đất Tây Sơn, bà múc gàu nước từ giếng cổ ở Bảo tàng Quang Trung và
uống ngon lành. Tình cảm của quê hương, của bà mẹ chồng làm cho cô con
dâu trong "Milano Sài Gòn đang về hay sang?" quý trọng, thương yêu, như
nhận định của người bạn văn Ngô Quang Hiển: "Bằng tình thương hết sức
chân thành ấy, bà đã làm cho cô con dâu người Ý không còn cảm giác đang
sang mà đang về. Về nhà. Và khi đã về nhà thì trong tâm hồn Ý đã thật sự
có thêm hồn Việt".
Nhà văn Trương Văn Dân cũng cho rằng nhiều tác
phẩm của Elena Pucillo Trương mang đến sự ám ảnh về cuộc sống hiện đại,
những phát hiện, góc nhìn riêng biệt của Elana. Ông cũng nhắn nhủ rằng:
"Đừng phung phí thời gian. Phung phí thời gian là có tội với đời, với
chính mình".
Bài và ảnh: HOÀNG HOA
Nguồn: Người lao động