Từ khi Ban biên tập Tạp chí Kiến thức ngày nay giao cho An Chi phụ
trách chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây, anh đã dành khá nhiều thì giờ để trả
lời cho những bạn đọc thấy cần thỏa mãn những mối băn khoăn về chữ nghĩa và tri
thức nói chung. Anh thấy đây là một công việc có ích cho nhiều người, mặc dầu
công việc này có làm cho anh sao nhãng ít nhiều những vấn đề mà anh chuyên tâm
nghiên cứu từ lâu, nhất là những vấn đề về lịch sử tiếng Việt. Và tuy anh biết
rất rõ rằng thời nay không có ai có thể tự cho mình là “nhà bách khoa” cái gì
cũng biết, nhưng những câu trả lời của anh trên tạp chí đã làm thỏa mãn được
phần đông độc giả vì đó đều là kết quả của một quá trình tra cứu nghiêm túc,
đầy tinh thần trách nhiệm đối với khoa học và đối với những người đã có lòng
tin cậy mình. Thêm vào đó là lời văn trong sáng, đĩnh đạc, nhiều khi dí dỏm một
cách nhã nhặn và tuệ minh, làm cho việc đọc anh trở thành một lạc thú thanh
tao.
Dĩ nhiên, tôi không dám nói An Chi bao giờ cũng đúng. Errare
humanum est. Không phải anh bao giờ cũng tìm được cách trả lời tối ưu có thể
làm hài lòng những chuyên gia khó tính. Nhưng tôi tin chắc rằng một người đọc
trung bình như tôi, khi đọc xong một đoạn giải đáp của An Chi, ít nhất cũng
thấy mình biết thêm được một cái gì bổ ích, và đó quả thật là một điều tối đa
có thể chờ mong ở một tạp chí dành cho quần chúng rộng rãi như Kiến thức ngày
nay.
Nói như vậy không có nghĩa là trong những bài trả lời ngắn gọn của
An Chi không lóe lên những tia sáng của một tài năng chân chính. Những ý kiến
của An Chi về gốc Hán của yếu tố “kẻ” đứng trước những địa danh mà có người
tưởng là “nôm” như Kẻ Sặt, Kẻ Noi (do chữ Giới
界
: xem Kiến thức ngày nay, số 229); về gốc Hán của chữ chiềng (do
chữ Trình
呈
?: xem Kiến thức ngày nay,
số 225) mà có người cho là dùng để chỉ công xã nông thôn dưới thời Hùng Vương,
việc anh cải chính những chỗ sai quan trọng của Từ điển Bách khoa Việt Nam như
về quốc hiệu Đại Nam mà Từ điển Bách khoa Việt Nam nói là do Gia Long đặt (Kiến
thức ngày nay, số 212); sự sai trái của cách nói “sau Công nguyên” (Kiến thức
ngày nay, số 219) và rất nhiều chuyện khác nữa, được anh chứng minh và trình
bày đủ sức thuyết phục để ngay các chuyên gia cũng phải tán thành.
Nhiều bài giải đáp của An Chi làm cho người đọc thấy hé mở ra
những luận điểm khoa học quan trọng và thú vị, khiến họ phải lấy làm lạ mà tự
hỏi tại sao nó không được anh trình bày thành những chuyên luận. Ta hãy yên tâm
chờ đợi. Những người như An Chi thường rất khó tính đối với bản thân. Rồi sẽ có
ngày những chuyên luận ấy đủ chín muồi để tác giả thấy có thể đem nó ra đóng
góp vào nền khoa học nhân văn của đất nước. Nhưng dù chỉ có mấy tập Chuyện Đông
chuyện Tây không thôi thì tôi cũng thấy học được của anh rất nhiều rồi. Vả
chăng chính cuộc đời của An Chi cũng đã là một tấm gương sáng chói của ý chí
vượt qua mọi nỗi gian truân để đạt đến một đỉnh cao của tri thức.
--- Trích Lời tựa ---