Tác giả
Dịch giả
Số trang
Năm xuất bản
Các biện pháp xử lý hành chính được quy định lần đầu ở nước ta tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995, sau đó tiếp tục được quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (hiện hành). Qua 22 năm thực hiện, các biện pháp xử lý hành chính đã thể hiện vai trò là công cụ pháp lý quan trọng góp phần tích cực phòng ngừa vi phạm pháp luật nói chung, tội phạm nói riêng đối với người chưa thành niên. Nhờ đó, nhiều người chưa thành niên vi phạm pháp luật đã trở về với gia đình, hòa nhập tốt với cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, những năm gần đây, với quá trình phát triển của kinh tế thị trường, bên cạnh mặt tích cực thì tác động tiêu cực của đồng tiền làm chuyển biến, thay đổi mạnh mẽ đến ý thức và nhận thức về các giá trị chuẩn mực và quy tắc xử sự của xã hội theo chiều hướng tiêu cực, nhất là đối với lứa tuổi chưa thành niên. Tình hình người chưa thành niên không được quản lý, bảo vệ tốt, sa ngã thành nạn nhân của vi phạm pháp luật đã trở nên phổ biến hơn.Theo Công ước quốc tế về quyền con người, Công ước quốc tế về quyền trẻ em và các văn bản quốc tế khác về trẻ em cũng như hệ thống pháp luật Việt Nam luôn xem người chưa thành niên là những nhóm đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương cần được chăm sóc và đối xử đặc biệt. Vấn đề quyền con người, quyền công dân nói chung và quyền của người chưa thành niên nói riêng được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến hạn chế và tước bỏ quyền tự do của người chưa thành niên. Cụ thể hóa các văn bản đó, các quy định về biện pháp xử lý hành chính tuy đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều lần, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Trong khi đó, đến thời điểm hiện nay ở Việt Nam chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện, hệ thống, chuyên sâu các vấn đề liên quan đến biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Đặc biệt là những công trình nghiên cứu tiếp cận theo xu hướng hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, nhằm tăng cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, cùng với yêu cầu nội địa hóa và hiện thực hóa những cam kết quốc tế về quyền trẻ em trong lĩnh vực này. Do đó, việc nghiên cứu biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý và giải pháp quản lý, giáo dục người chưa thành niên hiệu quả hơn, đồng thời tăng cường bảo vệ quyền của người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo tinh thần tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 là yêu cầu cấp thiết.Với lý do đó, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn Biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật của tác giả Hoàng Minh Khôi. Cuốn sách này được nâng cấp từ Luận án Tiến sĩ Luật học của tác giả thực hiện tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, cũng là kết quả nhiều năm công tác thực tiễn của tác giả trong lĩnh vực tư pháp. Sách có thể vừa là tài liệu tham khảo cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của các trường đại học chuyên ngành luật, đồng thời là tài liệu tham khảo hữu ích cho những người đang hoạt động thực tiễn trong các lĩnh vực tư pháp, xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật, tâm lý tội phạm, tâm lý giáo dục người chưa thành niên phạm tội, quyền trẻ em, …
Thành phố Hồ Chí Minh, 12/01/2017 PGS.TS. Nguyễn Cửu Việt
E-book cùng danh mục
E-book cùng tác giả