“30
tháng 4 - Chuyện những người tháo chạy”
của Kim
Lĩnh, nguyên là một sĩ quan trong Liên đoàn Công binh số 10 của quân đội Việt
Nam Cộng hòa ở Đà Nẵng. Anh đã chứng kiến đầy đủ mười hai ngày đêm tháo chạy
không tiền khoáng hậu trong lịch sử của tàn quân chế độ Việt Nam Cộng hòa và
những người dân lương thiện từ lâu sống trong sự bưng bít của chiến tranh tâm
lý Mỹ, bị ép buộc phải di tản về Nam. Trên con đường ngàn dặm đầy tai ương ở
ven biển miền Trung, đoàn người di tản như dấn thân vào cái lưỡi hái của “cọp
vằn”, “hùm xám”, “trâu điên”, - lực lượng của cái “chính phủ vì dân” - mà lâu
nay họ coi như là “thiên thần” của họ. Hàng trăm dì phước chết đuối phơi trắng
cả một vùng bờ biển; hàng trăm người già, trẻ con chết đuối trong cơn bão biển;
những vụ làm tiền, thanh toán thù xưa oán cũ giữa những người lính khác binh
chủng gặp nhau trên con đường tháo chạy và với những người dân chạy nạn. Trăm
ngàn cảnh tượng đau thương xảy ra nào phải do phía cộng sản gây ra như những
giọng điệu vu khống, bịa đặt. Ưu điểm chính của cuốn sách là miêu tả một cách
chân thật, sinh động bằng những chi tiết mắt thấy tai nghe về cuộc tháo chạy
của quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hòa từ sau sự kiện Buôn Ma Thuột cho
đến những giây phút cuối cùng của chế độ tay sai này nên rất hiếm có. Những
cuộc tàn sát man rợ của các sắc lính đến hồi mạt vận, cũng như số phận bao
nhiêu người dân bị chết oan uổng vào những ngày sắp chấm dứt chiến tranh đã cho
thấy thực chất của cái gọi là “quân đội Việt Nam Cộng hòa” chỉ là lính đánh
thuê không hơn không kém. Bằng những sự kiện thật, dưới mắt người lính khá am
tường “nghề nghiệp” tên Hòa, tác giả Kim Lĩnh đã xây dựng được những chân tướng
khá độc đáo của sĩ quan và binh lính tháo chạy cùng những chân dung người di
tản, trong đó có không ít những người dân lương thiện đã kịp thấy ra chân tướng
sự thật trong những ngày hoảng loạn.
Sức thuyết phục của thiên ký sự nhờ ở các sự kiện độc đáo của
người trong cuộc và lối kể chuyện theo trình tự thời gian và không gian mở dài
theo quốc lộ 1 hoặc dọc biển vào Sài Gòn, đúng con đường tháo chạy của địch,
cũng là con đường quân ta tiến công vào sào huyệt cuối cùng của Mỹ và quân đội
Việt Nam Cộng hòa. Ngoài ra, thiên ký sự còn ghi nhận khá nhiều sự kiện và
những số phận đoạn trường đầy tính bi kịch của xã hội cũ. Nhiều chương viết về
những điểm nút trên đường tháo chạy như Đà Nẵng - Phan Thiết - Cam Ranh và ngay
cả những gì xảy ra ở Sài Gòn vừa mang lượng thông tin mới về những ngày tháng
Tư năm 1975, đồng thời cũng đã có sức khái quát nhất định về xã hội và các tính
cách, số phận con người trong thời điểm ấy.
Đọc đến những chương cuối cùng, tư tưởng của tác phẩm hiện
ra khá rõ, tác giả muốn thông qua những số phận, những chân tướng để tố cáo,
lên án cuộc chiến tranh tội lỗi, những con người tội lỗi làm tay sai cho địch,
đồng thời - với cái nhìn nhân bản và chân thật, tác giả cũng đã cho thấy khả
năng nhận ra cái đúng, cái tốt từ những con người tưởng như không còn nhân
tính, khát vọng trở về hoặc tìm lại cuộc sống bình thường nhưng cao cả với đồng
bào mà mình đã bị đánh mất từ khi làm lính đánh thuê. “30 tháng 4 - Chuyện những
người tháo chạy” sẽ góp thêm một số tư liệu để bạn đọc hiểu rõ
hơn tính chất và ý nghĩa lịch sử của chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại
dẫn đến thắng lợi vang dội năm châu: giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam,
thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên mới của cách mạng nước ta. Xin giới thiệu
cuốn sách cùng bạn đọc và mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp.
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH