Stephen Hawking luôn trên xe đẩy vì mắc chứng
teo cơ, bộ óc vật lý sáng chói thấy được các lỗ đen trong vũ trụ, hằng
ôm ấp ý tưởng về cuộc du hành thời gian. Chế tạo được một tàu không gian
tốc độ xấp xỉ ánh sáng để gặp lại các vĩ nhân Galileo, Copernic và siêu
minh tinh Marilyn Monroe. Hãy để yên Hawking với suy tưởng thật cao
siêu, đầu óc đầy mộng mơ. Còn phải chờ tương lai.
Chúng ta thì đã
sẵn sàng cho cuộc du hành sinh học, nắm tay nhau vào nơi sâu thẳm của sự
sống, ngao du trong cõi tiến hóa vô cùng.
Thật ảo diệu. Chờ màn
đêm buông xuống, tuyến tùng quả ẩn sâu trong não mới tiết ra hormon
mêlatônin đưa ta vào giấc ngủ quý báu. Vú mẹ con bú, thương yêu sâu
thẳm. Bé mút núm vú mẹ, tín hiệu thần kinh truyền đến não. Tuyến yên bắt
nhịp giai điệu yêu thương, ứa ra hai hormon lo sữa cho bé, prôlactin từ
yên trước, ôxytôcin từ yên sau. Prôlactin làm tế bào vú tiết sữa.
Ôxytôcin lùa sữa theo ống dẫn đến núm vú. Mêlanin hòa nhịp với ánh nắng
sơn phết màu da con người thành sẫm đen hay sáng trắng. Chính hormon MSH
của tuyến yên kích thích các tế bào da tổng hợp sắc tố đen mêlanin. Nhỏ
xíu cỡ hột đậu phộng, nằm vừa vặn trong hố xương ở đáy sọ, tuyến yên là
nhạc trưởng cầm trịch một dàn hòa tấu nội tiết vĩ đại: tuyến giáp,
tuyến thượng thận, tuyến sinh dục, tụy tạng... Các tuyến nội tiết ứa các
hormon đi thẳng vào máu, điều hòa buồn vui, tăng trưởng và phát triển,
kiểm soát sự biến dưỡng, làm tròn chức năng sinh dục. Mẹ thiên nhiên
thật chu toàn.
Bộ não mới là quà quý nhất của Mẹ. Trong 500 triệu
năm, sự tiến hóa dẫn đến bộ não người nằm gọn trong hộp sọ. Vỏ não có
khả năng học hỏi vô tận, phát triển văn hóa loài người. Khoảng 10.000
năm nay, não cho con người bao nhiêu là quyền năng. Não giúp loài người
hiểu sự sống của mình và muôn loài. Hơn trăm năm qua, thầy tu Gregor
Mendel trồng đậu gieo mầm hiểu biết di truyền. Giữa thế kỷ trước, Watson
và Crick tìm ra cấu trúc phân tử DNA. Nay toàn bộ vốn gen người đã được
lập trình. Đã biết rõ hơn về cấu tạo cơ bản của sự sống, hoạt động của
các tế bào trong cơ thể. Có chìa khóa để hiểu được muôn loài tiến hóa
trên trái đất. Con người đang vào chốn sâu thẳm của sự sống. Charles
Darwin sống lại chắc sững sờ và ngất ngây với dòng chảy sinh học xa, xa
nữa và sâu, sâu hút.
Khác nào chuyện thần tiên. Thăm đền Angkor,
ngất ngây với các công trình nghệ thuật siêu nhiên, tôi ngẩn ngơ trước
không biết cơ man nào các tượng lớn, tượng nhỏ khắp nơi. Có thấm vào đâu
với tạo hóa: gọi trọn các thể nhiễm sắc trong cái nhân tí ti của tế
bào. Nén thật chặt, gói thật gọn, xếp thật đẹp, phân tử DNA và các gen
vẫn hoạt động thật thảnh thơi. Angkor rồi sẽ lụi tàn. DNA luôn trường
tồn là cô lái đò chở vốn di truyền của muôn loài đến bến đời đời.
Đâu chỉ có con người và muông thú trên hành tinh. Thuở hỗn mang, khoảng
3,5 tỉ năm trước, vi khuẩn đã có mặt đem hơi thở cho muôn loài. Con
người quen thấy vi khuẩn, virút chỉ gây phiền nhiễu. Như ở trong cõi vi
diệu thật ra chúng ảnh hưởng đến thế gian biết bao. Còn nữa cây xanh, bí
ẩn của sự sống. Cây cỏ hút khí CO2 mà con người, loài vật và các nhà
máy thải ra, làm ra ôxy và thức ăn cho muôn loài. Cây cối giúp hành tinh
sinh tồn.
Ký ức tuổi thơ của ai cũng có câu chuyện phiêu lưu của
Aladdin và cây đèn thần. Những ước mơ trở thành hiện thực nhờ quyền năng
của thần đèn. Ôi! Như có hằng hà sa số thần đèn. Với chuyến hải hành
trên tàu HMS Beagle và Nguồn gốc muôn loài, Charles Darwin khơi màu khám
phá sự sống. Rời quê Thụy Sĩ, miệt mài học hỏi tinh hoa y học nước Pháp
đến chọn Việt Nam làm quê hương, bác sĩ Alexandre Yersin khơi dòng chảy
lớn. Trên đỉnh Langbiang, tôi ngóng mong tứ phía như thấy dấu chân
Yersin khắp nơi.
Đời bác sĩ Rita Levi-Montalcini là nguồn cảm hứng
tuyệt vời. Nhận giải Nobel nhờ thấy các tế bào trò chuyện bằng các yếu
tố tăng trưởng. Ngày 22.4.2009, cô Rita kỷ niệm sinh nhật thứ 100, vẫn
hăng say lo cho mọi người như ở tuổi đôi mươi. Luôn chói lòa gương sáng
Marie Curie, người phụ nữ trọn đời cống hiến, cao danh vọng dày gian
nan. Nhà buôn tử thần Alfred Nobel, một thoáng giật mình để lại di sản
thật đẹp: các giải Nobel xâu chuỗi quyền năng của các thần đèn. Muôn vàn
kính ngưỡng các vị thần.
Là bác sĩ, là thầy giáo trường y mấy
mươi năm, say sưa dõi theo các thành tựu khoa học, tôi ước ao chia sẻ
đôi điều hiểu biết. Báo Sài Gòn Tiếp Thị dành đất, hàng tuần tôi trồng
bonsai. Chọn cây vào chậu, chăm chút tỉa cắt. Tối đa 1.500 chữ, một hình
bìa, hai ba hình minh họa. Tôi làm bếp, xào nấu nêm nếm sao cho món ăn
vừa miệng nhiều người “Nghe nói món này khó nuốt. Đâu ngờ thấy dễ ăn,
thơm ngon, ghiền rồi”. Tôi nghe góp ý thấy vui.
Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 5 tháng 11 năm 2010
GS. BS. NGUYỄN CHẤN HÙNG