Hơn mười năm trở về trước, Nam khoa vẫn còn là từ xa lạ không chỉ
với người ngoài ngành mà còn cả với người trong ngành y, sinh viên y. Nam khoa
lúc đó thường được hiểu đồng nghĩa với tình dục học nam. Sự thiếu sót này một
phần có thể do số lượng ít ỏi các sách chuyên về Nam khoa (Ngô Gia Hy: Rối loạn cương, Nhà xuất bản Y học,
2003; Ngô Gia Hy: Hiếm muộn và vô sinh
nam, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2000; Nguyễn Bửu Triều: Bệnh học giới tính nam, Nhà xuất bản Y học, 2001).
Trong bối cảnh đó, tôi tổng hợp và biên soạn lại các bài giảng tôi
đã thực hiện từ trên mười năm nay tại các lớp “Nam khoa lâm sàng” tổ chức tại Bệnh
viện Bình Dân cho các bác sĩ, tại các lớp sau đại học của Đại học Y Dược Thành
phố Hồ Chí Minh, các lớp lâm sàng của sinh viên y khoa Đại học Phạm Ngọc Thạch,
các bài giảng, các báo cáo tại các buổi hội nghị, hội thảo khoa học trong và
ngoài nước. Sách bao gồm phần mở đầu, 40 bài và phần phụ lục, được trình bày
theo hình thức được sử dụng rộng rãi hiện nay: mỗi bài gồm phần mục tiêu, nội
dung chính và những điểm cần lưu ý. Tài liệu tham khảo sẽ được đặt ở cuối mỗi
bài. Hình, sơ đồ, bảng được trích dẫn sẽ có số của tài liệu tham khảo. Các
hình, sơ đồ, bảng không ghi trích dẫn là những hình, sơ đồ, bảng của riêng tác
giả. Một vài hình không rõ nguồn, được lấy từ internet, được đánh dấu*.
Về nội dung, các bài được phân nhóm theo các mục của ngành Nam
khoa, một chuyên ngành y học liên quan đến các bệnh của nam giới. Đây là những
bệnh lý của hệ sinh sản, sinh dục nam và hệ nội tiết nam. Cụ thể hơn, các bệnh
lý nam khoa được chia thành bốn nhóm chính: sinh sản (hiếm muộn), sinh dục (rối
loạn cương, rối loạn xuất tinh), bệnh lý nội tiết nam và các bệnh lý bẩm sinh,
hay mắc phải của cơ quan sinh dục nam. Ngoài ra, còn có các nhóm phụ là các bệnh
lây truyền qua đường tình dục, rối loạn tình dục nữ. Trong tập sách này, tôi sẽ
không trình bày những bài liên quan đến ung thư bộ sinh dục nam (ngoại trừ ung
thư mào tinh), bệnh lý tuyến tiền liệt và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Những bài này người đọc có thể tìm thấy trong các sách giáo khoa về Tiết niệu
và Da liễu. Cuốn sách này còn có các bài về bệnh cấp cứu thường gặp trong Nam
khoa. Về các chữ viết tắt, tôi ưu tiên sử dụng chữ viết tắt bằng tiếng Anh
thông dụng, ví dụ FSH, ICSI…; các trường hợp khác tôi sử dụng chữ viết tắt tiếng
Việt, ví dụ ODT (ống dẫn tinh), TT (tinh trùng)…
Tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ hữu ích cho sinh viên y khoa,
các bác sĩ chuyên ngành Nam khoa cũng như các bác sĩ chuyên ngành khác quan tâm
đến lĩnh vực mới này. Trong tương lai tôi sẽ tiếp tục soạn sách chuyên về phẫu
thuật nam khoa.
Vẫn biết còn có nhiều sơ suất, sai sót, nhưng hy vọng những điều
mà cuốn sách này mang lại sẽ giúp các bạn sinh viên và quý đồng nghiệp hiểu
thêm về Nam khoa - một chuyên ngành mới. Tác giả rất mong nhận được các ý kiến
phản hồi khoa học: bàn luận, phản biện… của quý độc giả thông qua email
tsbsnguyenthanhnhu@gmail.com. Những ý kiến quý báu đó sẽ giúp cho lần tái bản tới
của sách được hoàn chỉnh hơn.
TS. BS. NGUYỄN THÀNH
NHƯ