Đặc khảo
về tín ngưỡng thờ gia Thần
do
hai nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Đại Phúc biên soạn, không chỉ
cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về văn hóa thờ tự trong ngôi nhà Việt
mà còn lý giải sâu sắc về đặc trưng văn hóa tâm linh của người Việt.
Với nội dung khoa học được
trình bày dễ hiểu, hấp dẫn, chắc chắn “Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia Thần” sẽ
lôi cuốn độc giả đến trang sách cuối cùng.
Lời tục rằng: “Sống
cái nhà, già cái mồ” còn nói có chữ nghĩa thì hai công trình xây dựng
quan trọng của mỗi kiếp đời là “dương cơ” và “âm phần”. Tuy có khu biệt thành
hai trú sở lúc sống và lúc chết như vậy, song cái nhà/dương cơ của người Việt
ta dành phần cho người chết coi ra hơi bị nhiều, đặc biệt là các từ đường. So
với phần dành cho người sống, cái phần không gian dành cho những vong hồn quá
vãng lại thường được tập trung nhiều công sức, tiền bạc và nhiều nỗ lực trang
trí, điêu khắc mỹ thuật hơn hết.
Việc thờ tự tổ tiên ở xứ
ta không chỉ là chuẩn mực luân lý mà còn nhằm chỉ rõ “Ta là một nhân vị
có cội nguồn, chứ không phải là một tay ma cà bông... không có gia phả!”.
Phụng thờ tổ tiên là một nghĩa vụ của đạo Hiếu được chế định trong cổ luật hẳn
hòi nên không gian thờ tự năm đời (Ngũ đại mai thần chủ) ở mỗi gia đình là một
thiết chế cụ thể. Đó là quy phạm của thế gian, còn ở khía cạnh tín ngưỡng, tập
hợp vong hồn tổ tiên là một bộ gia thần có công năng chứng giám và phù hộ cho
con cháu trong mọi việc làm ăn sinh sống.
Chính vì vậy, nơi thờ tự tổ tiên là không gian thiêng
liêng nhất trong nhà, ở đó diễn ra sự thông linh của con cháu ở trần thế với
cõi trên của những người khuất mày khuất mặt. Tín ngưỡng này bắt nguồn từ quan
niệm “Vạn vật hữu linh” (animism), đó là niềm tin về sự bất tử của linh hồn:
Thác là thể phách, còn là tinh anh. Thể phách hiểu là vía, tinh anh là hồn.
Nhưng còn có niềm tin khác vào sự “kính thành” như Kinh Thư viết đại ý: Trời
không thân với ai, chỉ thân với người hay kính(...). Quỷ thần thường không có
chứng giám cho ai, chỉ chứng giám cho kẻ có lòng kính thành. Hiểu nôm na là:
“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.