Sau khi chiếm được Sài Gòn và Nam kỳ làm thuộc địa,
người Pháp nhanh chóng thiết lập và củng cố hệ thống hành chính, xây dựng cơ sở
hạ tầng, phát huy thương mại ở mảnh đất phì nhiêu và thuận lợi cho giao thông
kinh tế, nằm giữa đường hàng hải nối Singapore và Đông Á (Hong Kong, Trung Hoa
và Nhật Bản). Theo sắc lệnh ngày 4 tháng 4 năm 1867, đề đốc de la Grandière thiết
lập một Ủy ban thành phố gồm một ủy viên thành phố và 12 nghị viên. Nhiệm vụ của
Ủy ban thành phố này cũng giống như Hội đồng Thành phố sau này (12). Đến năm
1869, đề đốc Ohier muốn dân thành phố có tiếng nói nên ra sắc lệnh ngày
8/7/1869 với tên chính thức là Hội đồng Thành phố và 13 nghị viên trong đó 7 là
do dân bầu và 6 do Thống đốc chỉ định, ông Turc, y sĩ hải quân, là thị trưởng đầu
tiên.
Từ chỗ đứng này trên bán đảo Đông Dương, với Sài Gòn
là thủ phủ, chính quyền Pháp bắt đầu để ý đến Cam Bốt và vùng sông Mê Kông với
mục đích làm chủ sông Mê Kông từ hạ nguồn lên đến thượng nguồn để đi đến thị
trường Trung Hoa rộng lớn, giấc mơ của bao nhiêu công ty, nhà thương mại của
các nước Tây phương.
Sự thiết lập đường dây thép nối Sài Gòn, các tỉnh ở
Nam kỳ và Cam Bốt sau đó được lan ra Trung kỳ và Bắc kỳ cuối cùng đến Lào là
công trình thiết lập cơ sở hạ tầng rất quan trọng cho thực dân Pháp để thông
tin liên lạc từ trung ương đến các địa phương trong mọi công việc từ hành
chính, ngoại giao đến kinh tế và quân sự…
Sự
mất tín nhiệm của Đảng Lập Hiến với chính sách “Pháp - Việt đề huề” sau nhiều
năm đại diện người Việt ở lục tỉnh trong Hội đồng Quản hạt và Hội đồng Thành phố
đã dẫn tới sự thành lập các phong trào, tổ chức đảng phải theo cộng sản đệ tứ
và đệ tam tranh đấu giành độc lập từ năm 1925 đến 1945. Giai đoạn tranh đấu
giành độc lập thoát khỏi thời Pháp thuộc là giai đoạn oai hùng bất khuất của
dân tộc Việt trong lịch sử cận đại.