Tác giả
Dịch giả
Số trang
Năm xuất bản
Ở nước ta, người theo đạo Phật hoặc chịu ảnh hưởng của Phật giáo chiếm đa số. Dân gian có câu “Trẻ vui nhà, già vui chùa”. Nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc đã có quá trình hơn phần tư thế kỷ nghiên cứu văn hóa dân gian và lịch sử Phật giáo trong và ngoài tỉnh. Ông có niềm vui, hạnh phúc được làm điều mình mong muốn. Dẫu tuổi đã cao nhưng ông không chồn chân mỏi gối, vẫn khát vọng nghiên cứu tìm hiểu, sưu tầm biên soạn tác phẩm “ Danh lam cổ tự từ Quảng Bình đến Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ”. Các di tích nói chung, chùa chiền nói riêng là dấu tích vật chất và tinh thần, “ nơi sinh hoạt tâm linh, lưu giữ hồn cốt của một vùng văn hóa”, là di sản được giữ gìn và trao truyền qua nhiều thế hệ. Tác giả đã chọn lọc tổng hợp tư liệu, hình ảnh thành một ấn phẩm văn hóa cho Phật giáo cũng như độc giả nói chung. Với 138 ngôi danh lam cổ tự trong tác phẩm cho ta thấy sự phát triển bền vững của Phật giáo trong lòng dân tộc. Những giai thoại đặc sắc về những bậc cao tăng cứu nhân độ thế, lịch sử truyền thừa có giá trị cho những ai ham thích nghiên cứu về Đạo Phật.
Ta thấy chùa Hoằng Phúc là một trong những đại danh lam cổ nhất trên đất Quảng Bình, có chiều dài lịch sử trên 715 năm, chứng tỏ qua nhiều triều đại, nhiều giai đoạn lịch sử Phật giáo được đề cao, các nhà sư rất được kính trọng, nhiều ngôi chùa được công nhận Di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, được công nhận nhiều kỷ lục. Tìm hiểu các ngôi danh lam cổ tự trải dài từ Quảng Bình đến mũi Cà Mau - tuy là vùng đất mới nhưng cũng đã có cổ tự hơn 200 năm. Người đọc sẽ thấy vai trò tích cực của Phật giáo về nhiều mặt văn hóa, xã hội. Các vị Tăng Ni luôn đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của Phật tử, hướng dẫn tu tập, tin nhân quả, không mê tín dị đoan, hết lòng phụng sự nhân sinh từ việc dạy học, lao động sản xuất, trị bệnh, xả thân giúp đỡ đồng bào gặp thiên tai dịch bệnh, người nghèo, trẻ em hiếu học… theo tinh thần “hộ quốc an dân”. Nguồn lực của Phật giáo vô cùng to lớn đã xây dựng nên những công trình kiến trúc uy nghiêm, cổ kính mang tính mỹ thuật cao, tích hợp văn hóa trong khung cảnh thiên nhiên hữu tình, thanh tịnh. Qua tìm hiểu về những ngôi danh lam cổ tự, người đọc cảm nhận Phật giáo luôn góp phần giữ vững những giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp phần nào vào công cuộc nghiên cứu Phật giáo nói riêng, và kho tàng văn hóa của dân tộc nói chung.
Chắc rằng ấn phẩm sẽ không tránh khỏi ít nhiều sơ suất, rất mong các vị Tăng Ni, Phật tử, đồng bào góp ý để khi có điều kiện tái bản, ấn phẩm được hoàn thiện hơn.
Tôi tán dương việc nghiên cứu, biên soạn của tác giả và trân trọng giới thiệu “Danh lam cổ tự từ Quảng Bình đến Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ” đến Quý Chư vị cùng độc giả!
Ebook cùng danh mục
Ebook cùng tác giả