Cầm học tầm nguyên
chứa đựng bao kiến thức về âm nhạc cổ truyền Huế
của cụ Phó bảng Hoàng Yến mà bao lâu nay đã bị quên lãng. Dưới sự khảo cứu của
Nguyễn Phúc An, cuốn sách đã được trả về giá trị vốn dĩ của nó, gợi lại cho
chúng ta một bức tranh về âm nhạc cổ truyền của Huế trong quá khứ, giúp chúng
ta nhận diện thêm về nguồn thư tịch cổ của Trung Quốc đã tồn tại ở Việt Nam cho
đến đầu thế kỷ 20, giúp chúng ta hiểu được xuất xứ và nguồn gốc các loại nhạc
cụ cổ truyền đã và đang sử dụng như: đàn cầm, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nguyệt,
đàn nhị… Đồng thời cũng nhận thức được loại hình âm nhạc cổ truyền Huế đã ảnh
hưởng đến âm nhạc đờn ca tài tử ở Nam bộ như thế nào. Cho đến hôm nay, những
điều tinh túy, những giá trị cốt lõi của âm nhạc truyền thống vẫn được phát huy
và có những ghi nhận từ việc cả Nhã nhạc Cung đình Huế và đờn ca tài tử Nam bộ
đều được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đây thật là điều đáng tự hào cho nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc.
Từ những khảo cứu và biện luận về cổ nhạc, đặc biệt là
việc sử dụng tài liệu cấp một và trích dẫn chuyên nghiệp trong nghiên cứu đã
làm cho chuyên khảo tăng thêm phần giá trị và tính xác thực trong nghiên cứu cổ
nhạc xưa nay. Vấn đề này xưa nay không phải ai cũng có thể làm được.
Nhìn chung, cuốn sách là tập chuyên khảo về âm nhạc
truyền thống có giá trị và hữu ích cho bất cứ nhạc sĩ hay người nghiên cứu về
âm nhạc nào, cũng như những ai quan tâm về cổ nhạc của dân tộc. Từ những lý do
đó mà tôi hy vọng, và có thể chắc chắn, tập chuyên khảo này sẽ được đón nhận
một cách rộng rãi không chỉ những người làm nhạc muốn tìm hiểu về âm nhạc
truyền thống mà cả những người nghiên cứu về âm nhạc và những người muốn khám
phá, tìm hiểu về âm nhạc truyền thống của Việt Nam, cũng như những nhà nghiên
cứu về thư tịch cổ chữ Hán của ta.
Phạm Ngọc Hường
(Tiến sĩ - Phó Giám đốc Trung tâm Sử học
Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ TP. Hồ Chí Minh)