“Gươm
báu trao tay”
có thể là một thanh kiếm sắc - chém thép như chém bùn - có khả
năng chặt đứt bao nỗi muộn phiền, nhưng cũng có thể chỉ là một thanh kiếm gỗ
của chàng Vô Kỵ (nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn Kim Dung) - nhờ nội
công “thâm hậu” tự bên trong mà khắc chế được đại địch.
Không phải vô cớ mà Edward Conzé, người đã dịch Kim Cang sang
tiếng Anh từ hơn nửa thế kỷ trước đã từng khẳng định hãy ứng dụng vào đời sống
hằng ngày đi rồi mới thấy tác dụng kỳ diệu của Kim Cang!
Vượt qua cái chữ, thấy được kinh vô tự, ấy là đã thôi không dừng
trên văn tự nữa mà đã bước vào quán chiếu để từ đó mà thấy được thực tướng Bát
nhã!
Nó vậy đó. Nó “Như như bất động”. Nó Chân Như.
Kẻ làm thầy thuốc có thể chữa được cái đau mà không chữa được cái
khổ. Có thể chữa được cái bệnh mà không chữa được cái hoạn. Có thể chữa được
cho người mà không chữa được cho mình. Nên phải cầu học, tìm học khôn
khuây.
Đâu dám mà lạm bàn những điều “thậm thâm vi diệu”.
Chỉ là một cách nhìn, cách nghĩ. Một cách học, cách hành. Một cách
dùng thuốc.
Và mong được sẻ chia.
Trạm trạm nhất phiến tâm
Minh nguyệt cổ tỉnh thủy.
(Vằng vặc một tấm lòng
Giếng xưa trăng rọi bóng).
(Nguyễn Du)
--- Trích Lời ngỏ ---